Đi vòng quanh cuốn kinh thánh
Ở Ấn Độ ngày nay, nhiều cuộc hôn nhân vẫn còn được sắp đặt bởi cha mẹ. Chính vì vậy, đám cưới là việc hệ trọng đối với họ hàng hai bên. Dù là tình yêu thực sự đi nữa thì việc tổ chức lễ cưới vẫn phải do cha mẹ hay các bậc trưởng bối lo liệu.
Trong lễ cưới, cô dâu phải mặc trang phục Sari màu đỏ (không được mặc màu trắng vì theo phong tục người Ấn, màu trắng là màu tang tóc), chú rể mặc áo dài etchkin truyền thống màu kem quấn khăn xếp màu đỏ. Cha của cô dâu sẽ làm nghi thức gả con gái bằng cách trao một vạt áo của cô dâu cho chú rể. Chú rể sẽ dắt cô dâu đi vòng quanh cuốn Kinh Thánh 4 lần, với sự trợ giúp của các anh chị em. Sau đó, hai người được công nhận chính thức kết hôn. Cuối cùng, vị chủ tế sẽ ban lời chúc tụng và đưa ra những lời khuyên, rằng hai người giờ đây đã trở nên một tâm hồn, phải sống yêu thương nhau trọn đời.
Ngoài ra, ở xứ sở sắc màu này còn có tục lệ Mehendi, hay “Đêm của Henna”. Khi đó, tay và chân của cô dâu sẽ được phủ đầy những hình vẽ henna xinh xắn.
Đính tiền lên áo cô dâu
Đây là một phong tục cưới hỏi vui nhộn ở Ba Lan. Khách mời sẽ đứng thành một vòng tròn để “giành” cơ hội được nhảy lần cuối cùng với cô dâu. Sẽ có một cuộc đấu giá, và những người trả tiền nhiều hơn sẽ được ưu tiên hơn. Tiền sẽ được dán lên áo cưới cô dâu đang mặc để mua một lượt nhảy với cô. Nhiều đám cưới có các thùng tiền, tạp dề hay rổ để bỏ tiền trước khi nhảy cùng cô dâu thay cho việc dán lên váy. Đây là một hình thức quyên góp để hỗ trợ về kinh tế cho cặp đôi trước khi họ bước vào cuộc sống chung.
Tại các đám cưới ở Ba Lan còn có phong tục gỡ lúp cưới. Khi cô dâu được một người phụ nữ đã lập gia đình gỡ lúp, cô chính thức được công nhận là một phụ nữ đã có chồng.
Ở Hy Lạp, các gia đình cũng có tục lệ đính tiền lên quần áo của cô dâu chú rể như một món quà cho cặp đôi mới cưới
Tục đánh cắp cô dâu
Trong đám cưới ở Đức, chàng phụ rể thân cận nhất sẽ cướp cô dâu ngay ở chỗ đón khách và đưa cô đến một quán nước hay câu lạc bộ nào đó trong vùng. Họ sẽ cùng uống champagne cho đến khi chú rể tìm ra. Chưa hết, chú rể sẽ phải trả toàn bộ chi phí nước uống.
Tiếp diễn cuộc giải cứu cô dâu này là một bữa tiệc tưng bừng. Sau đó, tất cả các bạn bè sẽ chặn hết tất cả lối đi bằng ribbon và vòng hoa. Để ra khỏi nơi đó, chú rể phải trả một cái giá nào đó, thông thường, đó là lời hứa về một bữa tiệc linh đình khác.
Cô dâu tự mua giày cưới
Ở Nga, cô dâu tự sắm sửa giày là một điều hết sức bình thường. Việc tự sắm giày cưới thể hiện sự độc lập, có khả năng tự lo lắng cho bản thân trong tương lai.
Đập đồ sứ
Các cô dâu chú rể ở Đức và Hy Lạp sẽ được nghe tiếng loảng xoảng của đồ sứ vỡ như một cách chúc phúc độc đáo. Ở Hy Lạp, những âm thanh này tượng trưng cho những cuộc cãi vã không thể tránh khỏi trong cuộc sống hôn nhân, và những âm thanh đổ vỡ của đồ sứ ầm ĩ trong ngày cưới được xem như là bước chuẩn bị cho những cuộc đấu khẩu tương lai.
Trong khi đó, ở Đức, những người bạn của cặp đôi sẽ kéo đến trước cửa nhà cô dâu trong đêm trước ngày cưới, đập vỡ các loại đồ gốm, chén, đĩa… để chúc phúc. Sau khi tất cả những đồ đạc này đã bị phá hủy, họ sẽ được chiêu đãi bánh ngọt và cà phê ở bên trong ngôi nhà.